Bạn có cho rằng làm người khác hài lòng là điều đúng? Thậm chí hy sinh hạnh phúc của bản thân, làm trái mong muốn của mình để họ vui lòng là điều nên làm? Nếu bạn gật đầu với cả hai câu hỏi này thì có lẽ ẩn dưới những việc bạn làm là một nỗi sợ mà lâu nay bạn không hề hay biết.
Đặc điểm của người Sài Gòn là “thực dụng”. Thực dụng nên được việc, mà mất lòng thì mất thôi! Người Sài Gòn không bị kiểu: “Bởi vì hàng xóm của nhau nhiều năm, nên tôi sợ mất lòng anh” – họ không ngại điều đó vì nó không thực dụng, đơn giản thế thôi! Hoặc nếu vì hiệu quả mà mất lòng, thì mất lòng ngay. Họ sống thoải mái nên họ không ngại.
Đặc điểm của miền Bắc là “không sợ ai hết”, vì họ hàng hang hốc thế nào cũng có người làm quan. Không sợ ai nên không sợ mất lòng. Thế còn miền nào ngại mất lòng nhất ạ?
Một bạn: Người miền Trung ạ!
Thầy Trong Suốt: Tại sao người miền Trung lại ngại mất lòng người khác nhất?
Ở đây người Đà Nẵng là chính đúng không? Tại sao người miền Trung nói chung, người Đà Nẵng nói riêng lại ngại làm người khác mất lòng nhất?
Bác Sáu: Thích an phận, thích hoà bình.
Bạn Long: Em nghĩ điều gì chúng ta tự hào nhất thì chúng ta dễ bị tổn thương nhất. Người miền Trung chúng ta tự hào chúng ta là những con người sống tình cảm đậm đà, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương ở tình cảm đậm đà.
Thầy Trong Suốt: Theo em vì người miền Trung tự hào nhất là tình cảm đậm đà, đúng không? Nên dễ tổn thương nhất ở tình cảm, ý cũng hay đấy! “Đậm đà như người miền Trung”, có câu hát đúng không? Đậm đà như bia Huda, do Quang Linh hát đúng không? (Cười) Tình cảm đậm đà, tự hào nhất là tình cảm nên rất dễ sợ mất tình cảm. Ý tưởng đó tốt đấy.
Một bạn: Em nghĩ họ mong muốn bản thân mình luôn đẹp trong mắt người khác.
Thầy Trong Suốt: Muốn đẹp trong mắt người khác, người miền Trung yêu cái đẹp. Thích mình đẹp trong mắt người khác, nên sợ mất lòng.
Khi mình mất lòng người khác, tức là mình không còn đẹp trong mắt họ nữa. Được, cũng là một ý tưởng hay. Tâm có ý tưởng gì không?
Bạn Tâm: Dạ, em nghĩ là sợ làm người khác buồn.
Thầy Trong Suốt: À, người miền Trung rất là dịu dàng đúng không? Sợ làm người khác buồn.
Bạn Tâm: Sợ mình mất mặt trước gia đình
Thầy Trong Suốt: À! Sợ mất mặt. Mặt em to kia mất thế nào được mà vẫn sợ mất! (Mọi người cười) Chuẩn, mặt thì không mất được, nhưng vẫn sợ mất mặt với ai?
Bạn Tâm: Gia đình, bạn bè, hàng xóm.
Một bạn: Chưa đúng lắm.
Thầy Trong Suốt: Không đúng phần nào? (Mọi người im lặng suy nghĩ)
Lý do gì thì lý do, cuối cùng ở đây bao nhiêu người ngại mất lòng người khác, giơ tay ạ? Biết điều ấy nói ra là đúng rồi, nhưng mà ngại mất lòng nên không nói nữa, đấy gọi là ngại mất lòng đấy. Bao nhiêu người ạ? Một, hai… đông quá nhỉ, bảy, tám, chín, phải… chắc phải 60% – 70% ở đây đúng không ạ?
Những người còn lại thì sao ạ? Không ngại mất lòng? “Phang” thẳng vào mặt luôn? (Mọi người cười) Bao nhiêu người “phang” thẳng vào mặt giơ tay ạ? Một, hai, ba, bảy, tám, chín, ít thế à? Em “phang” thẳng vào mặt à?
Bạn đó: Em nghĩ không thể chia ra là phang thẳng vào mặt và không phang thẳng vào mặt được. (Thầy cười) Từ nãy giờ nghe thì em cũng công nhận con người có thể có một số đặc điểm giống nhau, nhưng để nói người miền Trung có sợ mất lòng hay không, em thấy câu hỏi quá chung chung và em không thể phân định được,vì em nghĩ dựa trên mức của từng người.
Ví dụ có nhiều người cho dù họ có bị thiệt hại về bản thân họ, họ vẫn sẵn sàng kìm nén điều đó và nhận cái phần thiệt về mình, hay họ không nói ra hoặc chọn cách giải quyết khác, nói ra ở chỗ khác, ví dụ nói sau lưng chẳng hạn.
Còn một số người sẽ chọn nhìn thẳng vào vấn đề, gặp và giải quyết trực tiếp. Hoặc dựa trên mối quan hệ, từ người, việc đó có đáng để em phải trả giá ở mức độ nào. Cho nên đối với em không hẳn là phang thẳng vào mặt…Em chọn cách là em sẽ giải quyết.
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là em không phang chứ gì, em chỉ…
Bạn đó: Có thể em đã từng gặp rất nhiều trường hợp này tới mức là… em sẽ chọn cách im lặng. Vì thật sự áp lực từ gia đình, em sẽ chọn cách im lặng nhưng sau đó trong quá trình lớn lên, em thấy rằng nếu như mình không nói ra vì người ta không đứng ở vị trí của mình nên người ta không biết, chứ không phải vì người ta cố ý người ta không hiểu. Cho nên nói ra cũng là cách để cho hai bên cùng hiểu nhau. Sau khi nói ra thì mối quan hệ thường phát triển tốt đẹp hơn.
Thầy Trong Suốt: Rất hay! Bạn ấy có ý rất đúng. Thật ra gọi miền Trung cho vui vậy thôi, nói chung người Việt Nam mình sợ mất lòng, đúng chưa? Người Việt Nam nói chung, tức là mỗi miền ít hơn hay nhiều hơn một chút thôi, còn tùy quan điểm cá nhân.

Discussion about this post